Dị vật rơi vào giác mạc và cách xử trí

Dị vật rơi vào giác mạc và cách xử trí

Trong cuộc sống hàng ngày dị vật rơi vào mắt là chuyện xảy ra thường xuyên cho những người xung quanh ta hoặc cho chính chúng ta.

Nhưng việc sơ cứu cũng như xử trí các bước ban đầu một cách đúng nhất là điều không phải ai cũng biết, chính vì thế vô tình dẫn đến những hậu quả cho mắt: Như nhiễm trùng mắt, suy giảm thị lực.

Dị vật rơi vào mắt có thể là hạt bụi nhỏ li ti, hay những vật to hơn như mảnh thủy tinh (do vỡ kính), ba dớ (trong hàn sắt), côn trùng... Khi có dị vật rơi vào mắt đều mang đến cho chúng ta một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Mắt có cảm giác đau nhức và khó chịu.
- Cộm mắt.
- Chảy nước mắt nhiều.
- Chớp mắt liên tục, mắt mất kiểm soát.
- Mắt bị đau đỏ.
- Chảy dịch hoặc máu từ mắt.
Khi mắt có dị vật rơi vào, chúng ta thường có phản xạ dụi mắt liên tục cho đến khi cảm giác dễ chịu hơn, nhưng thực chất phản xạ này là một hành động vô cùng nguy hiểm và dẫn đến nhiều tổn thương cho đôi mắt. Vì khi dị vật rơi vào mắt, chúng có khả năng rất cao sẽ nằm chà xát giác mạc, kết mạc (tròng mắt bên trong) việc chúng ta dùng tay dụi sẽ vô tình làm cho quá trình này diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn, sẽ gây trầy xước sâu giác mạc hoặc kết mạc. Trong trường hợp xấu nhất dị vật có kích thước lớn có thể gây ra rách giác mạc, viêm giác mạc, kết mạc, thậm chí là mất thị lực trong thời gian ngắn.
Cách xử trí cho việc dị vật rơi vào giác mạc như sau: 
Bước 1: Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Tránh bàn tay nhiễm khuẩn sẽ gây nhiễm trùng mắt từ tay.
Bước 2: Xác định vị trí của dị vật trong mắt.
Bước 3: Ngâm dụng cụ lấy dị vật như tăm bông, khăn mềm nhẹ vào dung dịch muối pha loãng thành phần muối 9/1000, trước khi cho dụng cụ tiếp xúc với mắt, hoặc nhỏ nước muối sinh lý vào mắt trực tiếp khi mắt đang mở nhằm rửa trôi đi dị vật.
Lưu ý: Tất cả các thao tác khi tiếp xúc với mắt phải rất nhẹ nhàng tránh gây thương tổn thêm cho mắt.
Trong một số trường hợp dị vật đâm sâu vào kết mạc, giác mạc không thể lấy ra ngoài bằng những cách nêu trên, hoặc đã làm những cách trên mà mắt vẫn còn những triệu chứng như cộm hoặc đau nhói thì bạn nên băng vùng mắt đó lại hạn chế cử động mắt (như liếc, đảo, chớp...) đến mức thấp nhất và đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám cũng như điều trị càng sớm càng tốt.
 


Tin này được đưa bởi: Báo Thể Thao Văn Hoá
 

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN