ĐỪNG BỎ LỠ CÁC THÔNG TIN HỮU ÍCH TỪ BÁC SĨ CHUYÊN GIA BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN CẦN THƠ
Câu 1- Hiện tại, khi mắc phải bệnh lý đau mắt đỏ, nhiều trường hợp người dân đổ xô mua các loại thuốc trị đau mắt đỏ gồm: Tobrex và Tobradex. Và bên cạnh đó nhà thuốc cung cấp các loại thuốc trị bệnh đau mắt đỏ. Xin ý kiến của dược sĩ và bác sĩ về cách điều trị này?
BS Sa Mết: Tobrex là thuốc nhỏ kháng sinh phổ rộng, thành phần là Tobramycin, thuộc nhóm Aminoglycosid,; Tobradex (Tobramycin + Dexamethason) chứa kháng sinh và kháng viêm. Như đã biết bệnh đau mắt đỏ (Viêm kết mạc) có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh: Virus, Vi khuẩn , tác nhân dị ứng khác. Theo nguyên cứu thì khoảng 80 % là Virus ( Chủ yếu là Adeno virus và Entero Virus- theo Sở y tế TP. Hồ Chí Minh- 9/2023). Đau mắt đỏ do Adeno virus và Entero Virus gây ra thường gặp các triệu chứng mắt đỏ, ngứa mắt, đau, sưng mí, chảy ghèn, các triệu chứng siêu vi toàn thân. Tuy nhiên, bệnh có thể khỏi sau 7-14 ngày nếu chăm sóc đúng cách và cần lưu ý vấn đề vệ sinh cá nhân hằng ngày để có thể hồi phục nhanh chóng.Việc chưa xác đinh được nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh như thế nào mà tự ý mua thuốc về tự điều trị là không cần thiết, với lại vì 2 loại trên là kháng sinh nên không có tác dụng với nguyên nhân do Virus, có thể làm trầm trọng hơn tình trạng hiện tại, ảnh hưởng đến kết quả điều trị sau này.Tốt nhất bệnh nhân nên đi thăm khám tại các cơ sở điều trị về Nhãn khoa để được thăm khám, tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý.
Ds Thiện: Ds Thiện: Bệnh đau mắt đỏ có nhiều tác nhân gây bệnh, tác nhân chính là do virus gây ra. Do đó, thuốc kháng sinh nhỏ mắt như Tobrex và Tobradex hầu như không có tác dụng với bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra và chỉ có hiệu quả điều trị khi người bệnh có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (mắt đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng ….)
Về việc người dân tự ý mua thuốc nhỏ mắt như Tobrex và Tobradex không theo chỉ định của bác sĩ đặc biệt thuốc nhỏ mắt Tobradex chứa nhóm corticosteroid điều trị đau mắt đỏ rất nguy hiểm vì không có tác dụng mà còn gây ra tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp.
Câu 2 – Khi nào thì dùng đến thuốc nhỏ mắt để điều trị đau mắt đỏ? Hai loại thuốc nhỏ trên có phải thuốc nhỏ đặc hiệu không hay có thể thay thế bằng những loại thuốc nhỏ mắt khác?
BS Mết: Đau Mắt đỏ là bệnh dễ mắc, dễ lây, đa số biểu hiện lành tính. Tỷ lệ nhỏ để lại biến chứng nặng: như viêm giác mạc, loét giác mạc, mất thị lực. Hiện chưa có Vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thông thường, trong hầu hết các trường hợp bị đau mắt đỏ đều có thể tự khỏi bệnh mà không cần phải nhờ đến sự can thiệp của các loại thuốc, người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng, ghèn đổi màu vàng, xanh,...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Hai loại thuốc nhỏ trên không phải thuốc nhỏ đặc hiệu. Hiện nay, ngoài Tobrex trên thị trường có nhiều loai thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin,… đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ trong trường hợp nghi bội nhiễm.
Ds Thiện: Khuyến cáo người dân không được tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt Tobradex cũng như các thuốc nhỏ mắt kháng sinh có chứa kháng viêm Corticosteriod (Dexamethasone, hydrocortison, prednisolone, Flumetasone, ...) khi chưa có chỉ định của Bác sĩ. Vì nhóm kháng viêm có tác dụng kìm hãm các phản ứng viêm của cơ thể vì vậy tạo điều kiện các chủng vi khuẩn khu trú ở kết mạc và giác mạc thuận lợi phát triển gây ra biến chứng nặng hơn và tổn thương mắt vĩnh viễn.
Câu 3 – Việc tự ý điều trị đau mắt đỏ tại nhà bằng các loại thuốc có thực sự hiệu quả và có nguy cơ để lại biến chứng nguy hiểm gì không?
BS Mết: Người bệnh đau mắt đỏ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc nhỏ tự điều trị vì có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Đặc biệt là thuốc nhỏ có chứa Corticoid bởi không chỉ không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Để lại các biến chứng nặng nguy hiểm như: viêm giác mạc, loét giác mạc dẫn đến mất thị lực (mù).
Câu 4 – Trong dân gian nhiều người thường truyền tai nhau về phương pháp trị đau mắt đỏ như chườm nóng, xông mắt hay đắp cỏ cây có thực sự có hiệu quả và giúp bệnh tình thuyên giảm hay không thưa Bác sĩ?
BS Mết: Mắt là cơ quan quan trọng của cơ thể. Mắt rất nhạy cảm với những tác động từ bên ngoài. Các thuốc điều trị cho vùng mắt bắt buộc phải đạt chuẩn tinh khiết, sạch theo tiêu chí của Bộ Y tế. Do đó, việc dùng các phương pháp dân gian đắp, xông rửa mắt không được khuyến cáo nên chúng ta không nên tự ý sử dụng tại nhà. Khi bị viêm kết mạc (đau mắt đỏ) các mạch máu vùng kết mạc cương tụ, dãn ra, khi chúng ta chườm nóng thì càng làm cho mạch máu dãn thêm, làm vỡ mạch máu, gây xuất huyết kết mạc. Đắp cỏ cây là tăng nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm thêm do chứa rất nhiều vi khuẩn , nấm,... làm bệnh năng thêm, khó điều trị.
Câu 5 – Bác sĩ có khuyến cáo gì đến người dân trong quá trình điều trị bệnh lý đau mắt đỏ?
BS Mết:
- Lau rửa ghèn ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
- Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
- Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
- Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).
- Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng.
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
- Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...
- Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Câu 6 – Những biện pháp ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ lây lan là gì?
BS Mết:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Dùng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
- Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.