Viêm kết mạc cấp (hay còn gọi đau mắt đỏ) là một bệnh khá phổ biến và thường phát triển thành dịch, đặc biệt vào mùa tựu trường năm học mới bệnh rất dễ lây lan. Đáng chú ý tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ trong tháng 9 năm 2023 đã tiếp nhận hàng ngàn ca điều trị bệnh đau mắt đỏ, tăng hơn so với lượng bệnh tiếp nhận vào tháng trước đó và đang có xu hướng gia tăng. Vậy khi trẻ em mắc phải bệnh thì các bậc phụ huynh nên có biện pháp điều trị bệnh kịp thời, hãy đọc ngay bài viết sau để biết cách phòng tránh và chăm sóc mắt cho trẻ em và người thân khi bị bệnh.
Bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó tình trạng viêm kết mạc cấp ở trẻ em là phổ biến hơn cả vì hệ miễn dịch ở trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, rất dễ nhiễm bệnh và do trẻ chưa biết cách phòng bệnh. Dịch đau mắt đỏ chủ yếu là do Adeno virus và Entero virus gây ra.
Bác sĩ nội trú Lê Viết Pháp, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ cảnh báo các dấu hiệu nhận biết trẻ em bị viêm kết mạc cấp phụ huynh nên biết:
- Mắt trẻ đỏ và hai mí mắt trên, dưới có thể bị sưng phù
- Trẻ sẽ cảm thấy ngứa mắt, cảm giác cộm, nóng mắt
- Các triệu chứng thường xảy ra ban đầu ở một bên mắt, sau đó vài ngày lan sang mắt còn lại. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cả hai mắt cùng bị viêm đau
- Ghèn ở mắt rất nhiều, ghèn có thể màu trắng hoặc xanh, có thể gây dính mi, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Ghèn sau khi lau xong thường xuất hiện lại rất nhanh
- Cảm thấy sợ ánh sáng, khi nhìn trực tiếp ra sáng sẽ chảy nước mắt ràn rụa
- Viêm kết mạc cấp có thể xảy ra cùng với một số triệu chứng liên quan tới đường hô hấp như chảy nước mũi, ho khan và có khi kèm theo sốt
Các biện pháp phụ huynh cần lưu ý trong quá trình chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho trẻ em tại nhà:
- Trước tiên, phụ huynh cần vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ, đặc biệt là trước và sau khi tra thuốc cho trẻ
- Phụ huynh cần quan tâm tới việc vệ sinh mắt cho trẻ, vì sẽ giúp loại bỏ được ghèn ở mắt cũng như vi khuẩn, giúp trẻ dễ chịu thoải mái hơn. Thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn
- Không cho trẻ dụi tay lên mắt
- Tránh ôm ấp trẻ khi bị bệnh
- Ra ngoài cần đeo kính cho trẻ, tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh
- Cho trẻ sử dụng đồ dùng cá nhân riêng (khăn mặt, khăn tắm, gối nằm, khẩu trang,...)
- Không cho trẻ đi bơi trong giai đoạn này
- Những trẻ bị bệnh nên cho nghỉ học, không cho trẻ đến trường và nơi tập trung đông người tránh lây bệnh
- Nâng cao sức đề kháng: tập thể dục, bổ sung vitamin, dinh dưỡng,…
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh đau mắt đỏ
- Nên kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng để chăm sóc mắt tốt nhất, bảo vệ mắt trẻ
Khi phát hiện trẻ bị viêm kết mạc cấp phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc vì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
ĐD. VÕ THỊ CHÚC LINH - BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN CẦN THƠ