Ngày 07/11/2023, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ ghi nhận ca bệnh lý “tồn tại màng đồng tử” hiếm gặp, bệnh nhân là anh T. V. L (45 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng), nhập viện trong tình trạng mắt nhìn mờ, với mức độ màng che mờ trước đồng tử dày, được chỉ định phẫu thuật cắt màng đồng tử.
Anh T.V.L cho biết, nhận thấy bất thường như có vật gì che ở mắt, càng ngày anh càng nhìn mờ nên đến thăm khám tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ. Tại đây, BS. CKII. Trần Văn Kết – Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ trực tiếp thăm khám và chẩn đoán trường hợp anh T.V.L mắc bệnh lý “tồn tại màng đồng tử” và được chỉ định phẫu thuật cắt màng đồng tử để đảm bảo thị lực nhìn rõ cho bệnh nhân.
Theo đó, BS. CKII Trần Văn Kết cho biết: Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận tại bệnh viện, “tồn tại màng đồng tử” là một bệnh lý bẩm sinh do sự phát triển sai lệch của mống mắt, tạo nên những dãy xơ chắn trước đồng tử, ảnh hưởng đến thị lực người bệnh. Giai đoạn đầu, người bệnh sẽ khó phát hiện vì biểu hiện của bệnh lý này chỉ là nhìn không rõ, nhìn mờ. Nhưng theo thời gian, màng đồng tử trở nên dày hơn, lúc này bệnh nhân sẽ bị cản trở tầm nhìn. Đặc biệt, khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc khi đi ngoài trời nắng, sẽ cảm thấy chói sáng, khó chịu hơn.
Với những trường hợp "tồn tại màng đồng tử" dày, che khuất diện đồng tử, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực thì người bệnh phải được can thiệp điều trị sớm. Tùy theo tình trạng cụ thể của màng đồng tử mà có thể điều trị bằng phẫu thuật cắt màng đồng tử. Trong trường hợp màng đồng tử dính vào mặt trước thủy tinh thể có ảnh hưởng đục thủy tinh thể thì phẫu thuật thủy tinh thể kết hợp cắt màng đồng tử. Đối với trường hợp của anh T.V.L, “tồn tại màng đồng tử” đã tiến triển với độ dày ảnh hưởng đến thị lực và mắc phải ở cả 2 mắt, ảnh hưởng gây đục thủy tinh thể, phải được điều trị bằng phẫu thuật cắt màng đồng tử.
Các bác sĩ cũng cho biết thêm: “Tồn tại màng đồng tử” là một dị tật mắt bẩm sinh chiếm 95% dị tật mắt ở trẻ sơ sinh và 20% ở người trưởng thành. Bệnh lý có thể là 1 bên hoặc 2 bên và có thể thay đổi về hình dạng, kích thước, cấu hình và mật độ. Bệnh nhân mắc bệnh cần được theo dõi tình hình khúc xạ, nhược thị nếu có xảy ra để can thiệp điều trị kịp thời, tránh chủ quan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.